Trao đổi với phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò tiên phong dẫn dắt nền kinh tế, cần khẩn trương xây dựng thể chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý và tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
PV: Năm 2023, tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là nước có nền kinh tế tăng trưởng ổn định. Ông đánh giá thế nào về vai trò của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong việc bảo đảm một số cân đối lớn của nền kinh tế?
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung.
TS Nguyễn Đình Cung: Sau nhiều năm cải cách, Nhà nước giữ lại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty có quy mô lớn, kinh doanh những ngành mũi nhọn của đất nước, trong đó nổi bật là: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel)…
Trong những năm vừa qua, khu vực DNNN luôn được đề cao, có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
DNNN cũng đóng vai trò quan trọng, là lực lượng nòng cốt, cùng với các doanh nghiệp tư nhân trong nước và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch đầu tư công của quốc gia, là công cụ hỗ trợ để Nhà nước điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy phát kinh tế xã hội của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
DNNN cũng thể hiện rõ vai trò của mình trong việc bảo đảm cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho xã hội. Thông qua hoạt động của mình, DNNN đóng góp lớn, tạo sức mạnh về kinh tế, tham gia trực tiếp các hoạt động phục vụ quốc phòng, an ninh, xây dựng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cần thiết cho phát triển kinh tế, là cánh tay nối dài để Nhà nước thực hiện điều hành các chính sách, ổn định kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội, ổn định cuộc sống của người dân, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa và các lĩnh vực mà tư nhân không thực hiện.
Đối với một số lĩnh vực đặc thù như dầu khí, DNNN còn đóng góp rất quan trọng trong việc bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Đặc biệt, có những DNNN, tập đoàn đã trở thành những thương hiệu mạnh, có vị trí ở tầm khu vực và quốc tế; từ đó nâng cao hình ảnh cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và hình ảnh quốc gia, tạo ra những đóng góp nhất định trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế…
PV: DNNN đã được giao rất nhiều vai trò, như vừa là “quả đấm thép” đóng góp lớn cho nền kinh tế, vừa tiên phong, dẫn dắt, mở đường, vừa ổn định kinh tế vĩ mô… Việc giao nhiều vai trò như vậy có ảnh hưởng như thế nào đến mục tiêu phát triển của doanh nghiệp?
TS Nguyễn Đình Cung: Tôi cho rằng, việc giao quá nhiều vai trò đồng nghĩa với việc đặt ra cho DNNN quá nhiều mục tiêu, như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp.
Để DNNN tốt lên thì đầu tiên phải xác định được mục tiêu của họ. Mục tiêu của DNNN không chỉ là đóng góp cho ngân sách Nhà nước, nếu chúng ta coi họ là lực lượng trụ cột, dẫn dắt, tiên phong trong nền kinh tế tạo ra sản phẩm mới, công nghệ mới thì mục tiêu của DNNN phải là tạo ra những công nghệ mới, phải nắm được công nghệ đó, từ đó phát triển ra một ngành công nghiệp, hoặc một ngành nào đó có năng lực cạnh tranh cao.
Petrovietnam góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên Biển Đông (ảnh minh họa)
Tất nhiên, việc đạt được mục tiêu phải thể hiện bằng tính hiệu quả, chứ không phải đạt mục tiêu bằng cách “thua lỗ”, nhưng hiệu quả ở đây cần phải được nhìn nhận trong dài hạn, chứ không đánh giá hiệu quả theo vụ việc.
Phải nhìn nhận như vậy thì chúng ta mới đánh giá được doanh nghiệp đó là tốt hay không tốt. Tốt là phải đạt được mục tiêu với hiệu quả cao nhất có thể đạt được. Còn nếu vẫn chưa thể rõ mục tiêu của DNNN, cứ giao cho họ rất nhiều vai trò nhưng không xác định được mục tiêu rõ ràng mà cứ đi nói DNNN “thua lỗ” thì theo tôi, điều đó chưa chắc đã đúng. Bởi nếu DNNN chỉ thua lỗ trong một vài năm nhưng tạo ra được một công nghệ mới, nắm bắt được công nghệ từ đó lan tỏa ra nền kinh tế thì đây là cái giá chúng ta nên chấp nhận trả để đạt được kết quả này.
PV: Vậy theo ông, để đạt được mục tiêu đó, DNNN cần phải làm gì?
TS Nguyễn Đình Cung: Theo tôi, DNNN có 3 việc phải làm, một là xác định mục tiêu rõ ràng; hai là phải áp dụng hệ thống quản trị theo thông lệ quốc tế - vấn đề này chúng ta còn rất kém; ba là xác định quy trình quản lý nội bộ. Trong quy trình quản lý nội bộ thì phải xác định 3 yếu tố: một là tuân thủ pháp luật; hai là phát hiện rủi ro; ba là quản lý rủi ro trong một thế giới đầy biến động - đòi hỏi doanh nghiệp phải luôn luôn nghiên cứu, đánh giá, dự đoán, dự báo được những yếu tố bên ngoài có thể tác động hay gây bất lợi cho doanh nghiệp, cho hoạt động SXKD, từ đó đưa ra những giải pháp để giảm thiểu hoặc vượt qua được khủng hoảng, rủi ro, làm cho doanh nghiệp luôn có sức chống chịu rất tốt. Như vậy, chúng ta mới nhìn được một cách có hệ thống làm thế nào để cho DNNN tốt hơn.
PV: Đóng góp của DNNN vào sự phát triển kinh tế xã hội thời gian qua đã được khẳng định. Tuy nhiên, hoạt động SXKD của DNNN vẫn chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Theo ông, nguyên nhân là do đâu?
TS Nguyễn Đình Cung: Theo tôi, nguyên nhân chính là hiện nay khu vực DNNN không có tính tự chủ, đó là điều mà tôi tiếc nhất! Nếu họ có được tính tự chủ, được quyết định làm gì, làm như thế nào với mục tiêu cụ thể, chắc chắn sẽ đạt hiệu quả cao.
Vì vậy, điều đầu tiên mà tôi mong muốn là các DNNN cần phải có được tính tự chủ trong SXKD. Sau khi có được tính tự chủ trong SXKD thì phải đòi hỏi chủ sở hữu xác định cho doanh nghiệp một mục tiêu thật cụ thể, thật rõ ràng cả trước mắt và cả dài hạn để doanh nghiệp hướng vào đó và thực hiện một cách tốt nhất. Bởi nếu mục tiêu chưa rõ ràng thì doanh nghiệp không biết đâu mà làm. Thứ ba là yêu cầu phải có một cơ chế, khi tự chủ rồi thì doanh nghiệp làm thế nào để đạt được mục tiêu đã xác định, đó là quyền của doanh nghiệp; và khi đạt được mục tiêu rồi thì doanh nghiệp được coi là hoàn thành nhiệm vụ.
Tại thời điểm hiện nay có rất nhiều cơ hội, hãy nhìn những cơ hội trong các ngành nghề mới mà chúng ta đang tạo ra, như sản xuất chip, sản xuất các sản phẩm trên công nghệ hiện đại 4.0…, đó là cơ hội dành cho tất cả doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp chuẩn bị tốt.
Tôi cho rằng, DNNN của chúng ta hoàn toàn có đủ năng lực để có thể tận dụng được các cơ hội đó. Và nếu tận dụng được các cơ hội, DNNN sẽ thực sự trở thành lực lượng tiên phong, dẫn dắt. Tôi biết DNNN thực sự có năng lực, được đào tạo rất tốt, chỉ có điều đang thiếu một môi trường để họ thực sự phát huy hết năng lực và những cơ hội đang mở ra cũng chính là dịp để họ phát huy tài năng.
DNNN có đóng góp nhiều vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước (ảnh minh họa).
PV: Như ông vừa nói, để DNNN hiệu quả hơn, trở thành lực lượng tiên phong, dẫn dắt nền kinh tế, doanh nghiệp cần phải được tự chủ trong SXKD và có cơ chế, chính sách. Vậy, cụ thể là như thế nào?
TS Nguyễn Đình Cung: DNNN cần có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ như các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế. Và đổi mới cơ chế, chính sách là để DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường, chủ động và vận hành linh hoạt như các doanh nghiệp tư nhân. Có vậy, DNNN mới vận hành hiệu quả.
Mong muốn lớn nhất của những người lãnh đạo DNNN hiện nay là được hoạt động như một doanh nghiệp. Nghĩa là được trao quyền tự chủ kinh doanh như các doanh nghiệp khác trên cơ sở định hướng phát triển, nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể; có quyền tài sản rõ ràng; được theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra theo định hướng phát triển, theo nhiệm vụ và mục tiêu chung thay vì thanh tra, kiểm tra và đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất theo từng dự án, hoạt động cụ thể.
Để được vận hành như vậy, trong quản lý nhà nước, phải coi DNNN có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ như các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế.
Đổi mới cơ chế, chính sách để DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường, chủ động và vận hành linh hoạt như các doanh nghiệp tư nhân. Yêu cầu này bao gồm thực hiện tách chức năng đại diện chủ sở hữu với chức năng quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế, giảm bớt sự can thiệp trực tiếp của cơ quan đại diện chủ sở hữu vào hoạt động SXKD của DNNN như hiện nay.
Những bất cập trong cơ chế, chính sách quản lý đối với DNNN hiện nay khiến DNNN càng giảm hiệu quả, giảm sức cạnh tranh so với doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Khác với doanh nghiệp tư nhân có hiệu quả là đầu tư, DNNN chỉ cái gì đúng mới được làm, không chấp nhận rủi ro cho nên rất khó đổi mới sáng tạo…
Vì tất cả vấn đề Hội đồng quản trị ra nghị quyết đều phải xin ý kiến chủ sở hữu, nhiều vấn đề phải chờ chủ sở hữu xin ý kiến các đơn vị liên quan. Như vậy không chỉ mất nhiều thời gian mà về bản chất, những người hiểu thị trường nhất là doanh nghiệp lại không được quyết định đầu tư để kịp nắm bắt cơ hội.
Bên cạnh đó, cần khẩn trương hoàn thiện các thông tư, sửa đổi nghị định, bãi bỏ những quy định gây khó khăn cho hoạt động của DNNN.
Cùng với đó, là các giải pháp đồng bộ về chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, gắn phát triển DNNN với thực hiện chiến lược phát triển ngành và lĩnh vực kinh tế; thay đổi nhận thức, quan điểm về cổ phần hóa, thoái vốn, “trong ngành, ngoài ngành”… Như vậy, không gian phát triển cho DNNN sẽ được nới ra, thúc đẩy doanh nghiệp dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh để thực hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt.
PV: Với Petrovietnam, ông nhận diện vấn đề trên như thế nào?
TS Nguyễn Đình Cung: Petrovietnam là doanh nghiệp trụ cột của nền kinh tế đất nước, với nhiệm vụ quản lý và triển khai các hoạt động dầu khí trên lãnh thổ Việt Nam và đầu tư ra nước ngoài.
Trong thành công chung với những kết quả khá toàn diện của cả nước năm 2023, có sự đóng góp quan trọng, tích cực của Petrovietnam, nhất là về thu ngân sách, bảo đảm an ninh, cân đối lớn về năng lượng, xăng dầu cả trước mắt và lâu dài, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập…
Mặc dù, Petrovietnam liên tục phải đối mặt với hàng loạt thách thức, khó khăn bởi những bất ổn của nền kinh tế, áp lực giá dầu giảm sâu, đại dịch Covid-19, các cuộc xung đột địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu... Trong bối cảnh đó, Petrovietnam đã trụ vững và tiếp tục khẳng định bằng những kết quả đáng tự hào.
Kết quả kinh doanh năm 2023 cho thấy, Petrovietnam tiếp tục thiết lập mức kỷ lục mới về doanh thu sau 62 năm lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 942,8 nghìn tỉ đồng, vượt 39% kế hoạch năm, cao hơn 11,6 nghìn tỉ đồng so với kỷ lục năm 2022 Tập đoàn thiết lập (931,2 nghìn tỉ đồng), tương đương 9,2% GDP cả nước. Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn đạt 151,8 nghìn tỉ đồng, vượt 94% kế hoạch năm, chiếm khoảng 9,4% tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2023.
Nhìn vào những kết quả trên, có thể thấy, ngành Dầu khí đã trở thành ngành kinh tế đặc biệt, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô quan trọng của Chính phủ và là ngành có nhiều đóng góp đối với kinh tế xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, theo tôi, để Petrovietnam tiếp tục phát triển bền vững trong bối cảnh mới, giữ vững vai trò đầu tàu, đóng góp nhiều hơn nữa, thực sự trở thành tập đoàn kinh tế tiên phong trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng cần phải hoàn thiện cơ chế, thể chế, chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, cần phân cấp ủy quyền cho Petrovietnam trong hoạt động SXKD và đầu tư. Ngoài ra, Petrovietnam cũng cần được tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong SXKD, đặc biệt trong lĩnh vực cốt lõi - thăm dò, khai thác dầu khí.
Cùng với đó, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cần có sự thay đổi theo hướng ổn định và mở hơn, khuyến khích hơn, đặc biệt trong tình hình hiện nay, để vừa góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên Biển Đông vừa thu hút được vốn, công nghệ tiên tiến từ quốc tế.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Để Petrovietnam phát triển bền vững trong bối cảnh mới, giữ vững vai trò đầu tàu, thực sự trở thành tập đoàn kinh tế tiên phong trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng thì cần phải hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế; phân cấp ủy quyền, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh và đầu tư.
|
Theo pvn.vn